NGƯỜI XƯA ĂN TẾT NHƯ THẾ NÀO?

Với người Việt chúng ta, chẳng tập tục nào có sức hấp dẫn một cách kì lạ như tập tục tổ chức ăn Tết và mừng xuân. Từ muôn đời nay, Tết bao giờ cũng là của chung tất cả. Trong chiến tranh ác liệt hay giữa thời thịnh trị thái bình, dù quy mô và hình thức tổ chức có khác nhau, nhưng bất luận ở hoàn cảnh nào, người Việt cũng không bao giờ quên được tập tục này.
Mọi người cũng biết đấy, ngay từ trung tuần tháng chạp âm lịch hằng năm, khắp nơi đã rạo rực với không khí chuẩn bị tổ chức ăn Tết và đón xuân. Nhà nhà đều tất bật lo toan mua bán và sắm sửa, ai ai cũng muốn dành cho năm mới những điều thật mới mẻ và tốt lành. Điều kiện mỗi gia đình mỗi khác, nhưng, những nét lớn nhất và chung nhất thì xưa nay vẫn vậy, gần như chẳng hề thay đổi gì. Đại để, việc tổ chức ăn Tết và đón xuân của tổ tiên ta diễn ra như sau:
01 – Dọn dẹp vệ sinh và trang hoàng nhà cửa:
Quanh năm, ngày nào mà chẳng phải dọn dẹp, nhưng, việc dọn dẹp để chuẩn bị ăn Tết và đón xuân thì bao giờ cũng được chu tất và cẩn thận hơn. Trong việc dọn dẹp, quan trọng hơn cả vẫn là dọn bàn thờ gia tiên. Thường thì đến trước ngày cúng ông Táo, mọi việc sửa soạn bàn thờ gia tiên đã tươm tất đâu đó cả rồi. Từ hôm ấy trở đi, nhà nào trông cũng gọn gàng và sáng sủa hẳn ra. Dù vậy, việc dọn dẹp vệ sinh vẫn được tiến hành một cách đều đặn cho đến tận ba mươi Tết.
Xưa, trong ba ngày Tết, người ta gần như dừng hẳn việc dọn dẹp. Tục này, nay rút bớt chỉ còn lại một hoặc hai ngày, nhưng hình như ít có gia đình nào bỏ hẳn. Có bao giờ mọi người tự hỏi rằng, tại sao lại phải làm như vậy hay không? Sách Sưu thần ký chép: Xưa, có người lái buôn tên là Âu Minh. Một hôm, Âu Minh đi buôn qua hồ Thanh Thảo, được vị thuỷ thần ở đấy tặng cho một nàng hầu tên là Như Nguyện. Từ khi có Như Nguyện, Âu Minh phát tài phát lộc rất nhanh. Nhưng, vào ngày mồng một Tết năm nọ, Âu Minh bỗng nổi giận mà đánh Như Nguyện, khiến Như Nguyện sợ hãi, chui vào đống rác rồi sau đó thì biến mất. Cũng kể từ đấy, Âu Minh dần dần bị phá sản rồi khánh kiệt. Chính vì tin vào tích Âu Minh – Như Nguyện, nên người xưa không hốt rác trong ba ngày Tết. Mọi người nghĩ gì về chuyện này? Trách người quá xưa mê tín chăng? Không đâu, giờ mọi người cứ thử mặc bộ quần áo mới của mình vào và đi hốt rác xem! Tôi dám quả quyết rằng, mọi người sẽ chẳng những không hề chê trách mà còn thực sự cám ơn tục lệ tế nhị này của người xưa. Tổ tiên ta vẫn thường khéo léo cất giấu kho báu về đạo lí nhân bản trong lớp vỏ bọc đầy vẻ mê tín như vậy đấy.
Người xưa thì trang hoàng nhà cửa theo cách của người xưa. Phổ biến hơn cả có lẽ vẫn là việc kiếm cho bằng được mấy chữ Nho được viết thật bay bướm trên giấy nền đỏ. Nhà nông thì thích những chữ như: Tứ quý hoan lạc (bốn mùa vui vẻ), Vạn sự như ý (muôn việc đều được như ý mình), các nhà buôn thì thường dùng những chữ như: Xuất nhập bình an (ra vào bình yên), Khai trương hùng phát (hễ khai trương là phát đạt mạnh mẽ), các nhà quyền quý thì hay dùng những chữ như: Thăng quan tiến tước (chức quyền và tước vị ngày một cao), Phúc lộc mãn gia (phúc đức và bổng lộc đầy nhà)… Tất nhiên, cũng có những chữ có thể dùng chung cho tất cả, ví dụ như: Thần Trà, Uất Lũy. Theo sách Phong tục thông ký thì Thần Trà và Uất Lũy là hai vị thần chuyên lo việc cai quản lũ quỷ. Bọn quỷ sứ mà nghe tên hai vị thần này là khiếp đảm, không dám lại gần. Cổ nhân viết tên hai vị thần này treo trong nhà để không cho lũ quỷ sứ đến quấy phá nhà mình trong dịp vui xuân.
Từ khi tranh dân gian, đặc biệt là tranh dân gian làng Hồ (cũng tức là làng Đông Hồ, làng Kiêu Mại hay làng Mai – nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) xuất hiện, tổ tiên ta thường mua tranh về treo trong nhà. Mọi người đã bao giờ xem tranh dân gian xưa chưa? Có thể là trong những ngày thường, mọi người ít hứng thú, nhưng cứ mỗi độ xuân về, tôi tin rằng mọi người sẽ thích có vài bức tranh dân gian trong nhà. Ở đấy luôn có một cái gì đó vừa mộc mạc lại vừa tinh tế, vừa rất gần gũi lại cũng vừa cổ kính.
02 – Cúng ông Táo: Xưa, tổ tiên ta cúng thần
Bếp chứ không phải là cúng ông Táo. Sau, ông Táo của Trung Hoa bỗng… nhập cư vào ta. Hai tiếng ông Táo dễ khiến chúng ta tưởng là một vị thần, nhưng thực ra thì lại có đến ba vị, gồm hai ông và một bà.
Hằng năm, gia đình mỗi chúng ta vẫn hay sắm lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng chạp. Vậy, có bao giờ mọi người tự hỏi rằng, tại sao lại phải cúng ông Táo và tại sao hễ cúng xong rồi thì phải hết sức cẩn thận giữ gìn bếp núc củi lửa nhà mình hay không? Người xưa cho rằng, hằng năm, ông Táo phải bay về trời để dâng sớ tâu lên Ngọc Hoàng Thượng đế mọi sự thực hay dở của gia chủ. Người xưa sắm lễ cúng để tiễn ông Táo về trời. Ông Táo cũng phải hưởng lễ rồi mới đi, cho nên, tổ tiên sợ ông Táo trễ giờ, bèn ra chợ mua giấy cò bay ngựa chạy và mua thêm cả cá chép nữa để làm lễ vật dâng cúng ông. Nhưng, đằng sau cái vỏ mê tín ấy là gì? Mấy ngày cận Tết là những ngày vừa vui vừa bận bịu nấu nướng, mà nhà ở của người xưa thì phần lớn là nhà tranh vách nứa cả, nếu không cẩn thận là hoả hoạn như chơi. Ông Táo về trời, nhà không có thần lo cai quản củi lửa bếp núc nữa, thôi thì, sao ta không mượn chuyện ông Táo tạm vắng mặt để khuyên nhau đề phòng cháy nhà, phải hết sức cẩn thận giữ gìn bếp núc củi lửa nhà mình? Cổ nhân ta thật tinh tế làm sao.
03 – Dựng nêu và gói bánh:
Cúng ông Táo rồi, nhà nhà bắt đầu dựng nêu. Thường thì nêu là một cây tre nhỏ, được chặt cho gọn cành rồi đem cắm ở đầu ngõ hoặc ở góc ngoài của sân. Trên ngọn nêu, người ta thường buộc ba nắm lạt bằng rạ và một ít tiền bằng vàng mã. Cũng có khi, toàn bộ cây nêu được quét vôi trắng. Người xưa cho rằng, bóng cây nêu sẽ khiến cho ma quỷ hoảng sợ mà bỏ chạy.
Hễ Tết đến là hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng. Người xưa thường gói bánh vào khoảng 28 hoặc 29 Tết (tuỳ theo tháng chạp năm đó thiếu hoặc đủ) và luộc bánh vào đêm cuối cùng của năm cũ. Cả nhà quây quần sưởi ấm bên bếp lửa và nghe ông bà hay cha mẹ kể chuyện các bậc gia tiên của mình. Nhưng tại sao lại có truyền thống? Về mặt lịch sử, tổ tiên ta ăn nếp chứ không phải ăn gạo tẻ, cho nên, phàm là cúng tổ tiên, người ta sẽ thường dùng nếp. Nếp thổi xôi đã để được lâu mà nếp đem gói bánh chưng hay bánh tét thì còn để được lâu hơn nữa. Vả chăng, với những ngày vui xuân, nếu cố gắng chế biến sẵn món ăn và giảm bớt việc bếp núc thì vẫn tiện lợi hơn rất nhiều!
04 – Cúng gia tiên và mừng tuổi ông bà, cha mẹ:
Xưa, cứ đúng giao thừa là các nhà bắt đầu cúng gia tiên. Gia đình nông thôn thì cúng ở giữa sân còn gia đình ở phố chợ thì cúng ngay trên hè phố trước cửa nhà mình. Với những năm trời làm mưa gió, lễ cúng này thường được tiến hành ngay trong nhà, nhưng cửa nhà nào cũng đều rộng mở để còn có thể đón linh hồn gia tiên của mình về ăn Tết với cháu con. Trước khi cúng, mọi nhà đều có đốt pháo, nhưng là đốt cho vui, không phải đốt để trừ ma ám quỷ như quan niệm của người Trung Hoa.
Sáng mồng một Tết, con cháu sẽ trịnh trọng làm lễ chúc tuổi ông bà và cha mẹ. Sau khi nghe lời chúc Tết, ông bà, cha mẹ thường tặng cho con cháu một chút tiền nhỏ, gọi là tiền mừng tuổi hay là tiền lì xì. Tặng chút tiền nhỏ cho con cháu rồi, tổ tiên ta lại phải thận trọng và tế nhị quan sát cách sử dụng đồng tiền ấy của con cháu mình nữa. Quan sát để biết tính cách riêng của con cháu mà khích lệ cái hay hoặc uốn nắn điều dở, cốt sao cho tất cả đều trở nên tốt đẹp hơn. Mọi người biết đấy, thái độ trước đồng tiền bao giờ cũng chính là thái độ trước cuộc sống đó thôi. Đối diện với tiền bạc, bản chất của người ta thường lộ ra rõ lắm. Cho nên, cứ quá vui với ngày Tết mà coi nhẹ cách sử dụng đồng tiền của con cháu là không thể được.
05 – Thưởng xuân, hoá vàng và khai hạ:
Sau khi cúng gia tiên và chúc tuổi ông bà, cha mẹ, người người đều rủ nhau đi thưởng xuân (nghĩa là đi ngắm nghía cảnh sắc của quê nhà ngày đầu xuân năm mới), đi chúc Tết bà con họ hàng và xóm giềng của mình. Cũng kể từ đây, một loạt các lễ hội khác nhau với vô số những cuộc thi hào hứng được tổ chức. Lễ hội có khi còn kéo dài đến cả tháng sau đó nhưng ăn Tết thực sự thì chỉ có ba ngày mà thôi. Người xưa (nhất là những người nghèo) vẫn thường nói no ba ngày Tết, ấm ba tháng hè đó thôi.
Sang ngày mồng bốn Tết, nói chung, nhà nhà đều làm lễ hoá vàng. Đây là lễ tiễn đưa linh hồn các bậc gia tiên, cũng là ngày gia đình sum họp, dùng bữa cơm Tết cuối cùng để rồi sau đó là bắt đầu những ngày thường của năm mới. Ngày mồng bảy tháng giêng là ngày khai hạ, tức là ngày hạ nêu. Những ngày vui Tết đến đó là hết. Ma quỷ nếu có thì cũng đã về cõi riêng của ma quỷ rồi. Nhà nhà bình thản hạ nêu, bình thản làm lụng với nhiều hi vọng mới.
Như thế, tổ tiên ta tổ chức ăn Tết cũng chẳng có gì đáng gọi là phung phí hay mất thời gian. Ngày Tết là ngày vui nhưng tổ tiên ta chẳng bao giờ vui một cách vô bổ. Đức cần kiệm, phép giữ lễ và ý thức tôn vinh những giá trị đạo lí tốt đẹp luôn luôn được cẩn trọng bảo vệ. Kính thay!
Nguồn: Lần Theo Dấu Xưa – Nguyễn Khắc Thuần
Thoại Sử Đàm Lâu – Đông Quách Tiên Sinh

Bài viết liên quan

Họ Hoàng- Huỳnh(黃) Họ Hoàng (tên gọi được ghép bằng bốn chữ: Nhất, Bát, Thảo, Điền đem sắp xếp gọn lại mà thành 一入廿田。黃). Họ Hoàng là dòng họ lâu đời nhất của Trung Quốc, có từ thuở hồng hoang. Do loạn phương bắc, dòng họ di chuyển đến tập trung ở nam sông Dương […]

QUẬN CÔNG HOÀNG NGŨ PHÚC.

Quận Công Hoàng Ngũ Phúc: vị lão tướng – hoạn quan – đã từng đánh bại cả chúa Nguyễn và Tây Sơn ở tuổi 63 Hoàng Ngũ Phúc (Hoàng Đình Việp) sinh năm 1713. Ông có nhiều công lao nên được triều đình Lê – Trịnh (thế kỷ XVIII) rất trọng dụng. Cuộc đời, sự […]

LÃO TƯỚNG ĐINH LIỆT.

Lão tướng Đinh Liệt: công thần phò tá 4 đời vua Lê, 70 tuổi vẫn cầm quân đại phá Chăm Pa Đinh Liệt là vị danh tướng khai quốc thời Lê sơ, ông từng tham gia hội thề Lũng Nhai, làm quan trụ cột qua bốn đời vua, góp công lớn giúp Giang Sơn thịnh […]

Thư mời tài trợ …!

THƯ MỜI TÀI TRỢ – KGB GOLF GROUP – MÙA GIẢI KGB TOURNAMENT 2023-2024 Kính gửi : Quý Đối Tác ! Lời đầu tiên, xin phép cho tôi được thay mặt hơn 2000 golfer thành viên của KGB Golf Group xin gửi tới quý đối tác lời chào, lời cảm ơn sâu sắc vì đã luôn […]

SỬ SÁCH TRUNG QUỐC ĐÃ KHIẾP SỢ NHƯ THẾ NÀO KHI NHẮC VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ NƯỚC VIỆT

Dẫu là phận nữ nhi nhưng khi phất cao cờ nghĩa chống lại sự đô hộ hà khắc của các chế độ phong kiến Phương Bắc thì họ luôn được các hào kiệt khắp nơi hưởng ứng. Những cuộc khởi nghĩa của các vị tuy nhanh chóng bị dập tắt nhưng đã khiến cho những […]